Chi tiết tin tức

Hai 'hiệp sĩ đường phố' có được công nhận liệt sĩ không?

Thời gian đăng: 16-05-2018 21:59 | 336 lượt xemIn bản tin

       Vụ việc xảy ra tối 13.5 khiến 2 hiệp sĩ đường phố tử vong, 3 người bị thương đặt ra yêu cầu phải làm sao đảm bảo tính mạng của các “hiệp sĩ đường phố”. Sau cái chết thương tâm của hai "hiệp sĩ", nhiều bạn đọc thắc mắc liệu cả 2 có được công nhận là liệt sĩ không?

      Chuyên gia pháp lý cho rằng nên công nhận hai "hiệp sĩ đường phố" tử vong là liệt sĩ bởi họ đã trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại  hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong bộ luật Hình sự (BLHS). 

 

Con trai và vợ cũ của anh Thôi tại đám tang (ảnh: Hoàng Trọng)

 

Nhiều trường hợp chống tội phạm được phong liệt sĩ

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết phong trào “hiệp sĩ đường phố” thời gian qua đều theo hướng tự phát, do những người dân nhiệt tình, dũng cảm, ý thức cộng đồng cao và muốn giữ vững trị an cho khu vực sinh sống thành lập nên. Phong trào này đã mang lại sức mạnh lan tỏa rất lớn, nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng chống tội phạm. "Từ khi được thành lập tại các địa phương, các đội nhóm “hiệp sĩ” đã tham gia bắt tội phạm quả tang rất nhiều trong đó đa số là các tội trộm cắp, cướp giật, cướp…", LS Công nói.

LS Nguyễn Thành Công cho rằng xét dưới góc độ pháp lý, 2 "hiệp sĩ" tử vong không được công nhận là liệt sĩ vì liệt sĩ theo quy định phải thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1, Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, với những đóng góp của 2 hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam thì nhà nước nên xem xét công nhận những hiệp sĩ diệt trừ tội phạm, bảo vệ trật tự, gìn giữ an toàn xã hội khi thực hiện công việc mà bị tử vong là liệt sĩ bởi những tính chất, đặc điểm là: “Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong bộ luật Hình sự”.

LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết từ trước đến nay Nhà nước vẫn phong tặng danh hiệu liệt sĩ trong thời bình đối với các tấm gương xả thân cứu người như trường hợp em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 trường PTTH Đô Lương, Nghệ An) đã dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát chết năm 2013, hay trường hợp anh Trần Hữu Hiệp (Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa) đã dũng cảm hy sinh cứu người trong vụ lật ca nô trên biển Cần Giờ vào tháng 8.2013.

LS Thư phân tích, về mặt pháp lý, theo điều 17 quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ trong Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 hướng dẫn chi tiết pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/ UBTVQH 13 thì trường hợp tử vong của 2 "hiệp sĩ đường phố" nằm trong diện quy định tại mục đ, khoản 1 là người: “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh”.

Theo LS Công, các "hiệp sĩ đường phố" có thể phòng chống tội phạm bởi vì theo Khoản 3 Điều 4 BLHS 2015 “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”. Như vậy, tuy không quy định cụ thể nhưng nhà nước cũng đã công nhận việc phòng chống tội phạm là nghĩa vụ của mọi công dân. Do đó, việc làm của các hiệp sĩ không vi phạm quy định pháp luật, phù hợp với chuẩn mực chung.

“Tuy nhiên, với hành lang pháp lý chưa rõ ràng, người dân chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không phải lực lượng nòng cốt tham gia trấn áp tội phạm bởi lực lượng chuyên nghiệp, có các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình truy bắt tội phạm là lực lượng Công an nhân dân. Đây cũng chính là trách nhiệm của cơ quan Công an trong quá trình phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự trị an xã hội”, LS Công nhấn mạnh.

Cần có cơ chế thưởng phạt đối với hiệp sĩ

Nói về phong trào “Hiệp sĩ đường phố”, LS Huỳnh Công Thư đánh giá cho đến nay có rất nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh Nhà nước pháp quyền, việc an ninh, trật tự, bắt cướp đã có các cơ quan bảo vệ pháp luật đảm nhận. Lại có ý kiến khác thì ủng hộ và xem đây là mô hình phòng chống tội phạm nhân dân, tự quản và mang tính bổ trợ cho các lực lượng công an.

"Dù ý kiến nào chăng nữa, cũng không thể phủ nhận phong trào hiệp sĩ tự phát khắp nơi đã góp phần giúp cho trật tự, trị an phần nào kéo giảm tội phạm và giúp được các nạn nhân một cách nhanh chóng. Vấn đề đặt ra là phong trào này cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào thừa nhận và quản lý dẫn đến nhiều hệ lụy không dễ giải quyết như lạm quyền, bắt người vượt quá quy định của pháp luật, thậm chí xâm phạm đến sức khỏe và an toàn tính mạng người khác. Ngoài ra, sự tồn tại của nó cũng cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đủ mạnh để trấn áp tội phạm. Do đó, cần có nghiên cứu về hiện tượng hiệp sĩ đường phố, tổng kết mô hình an ninh nhân dân để từ đó có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý và các chế độ, chính sách cụ thể, kể cả trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng này”, LS Huỳnh Công Thư nhấn mạnh.

Đồng với quan điểm trên, LS Công phân tích thêm, hạn chế của phong trào “hiệp sĩ đường phố” hiện nay là khi tội phạm ngày càng hung hăng, có tổ chức và có vũ khí thì việc phần lớn các hiệp sĩ thiếu các kĩ năng cần thiết cũng như các kiến thức pháp luật liên quan khi tham gia vào bắt, giữ tội phạm là điều đáng lo ngại. Thực tế, các hiệp sĩ đều tham gia trên tinh thần tự nguyện, “không thù lao” nên khi có các vấn đề xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tài sản trong quá trình truy bắt tội phạm thì không có cơ chế rõ ràng để bảo vệ và hỗ trợ họ. Thêm vào đó phong trào là tự phát, không có cơ sở pháp lý quy định rõ ràng nên các cơ quan công an chưa thể quản lý, giám sát và phối hợp với lực lượng này. Qua sự việc đau lòng xảy ra, một lần nữa đặt ra các vấn đề cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như toàn xã hội.

Từ đó, LS Công kiến nghị cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, chế độ thưởng phạt cụ thể để không những phát huy phong trào phòng chống tội phạm, bảo vệ những người dân tích cực với cộng đồng mà còn quản lý, giám sát hoạt động và phát huy sức mạnh quần chúng trong công tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, cần có các chương trình đào tạo nghiệp vụ, đạo đức, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan cho những người tham gia phòng chống tội phạm. Cuối cùng, cần quản lý chặt chẽ, phân tầng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các đối tượng này, tránh tình trạng những người tham gia Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm lạm quyền, bảo kê các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đến quyền tự do của người khác.

 

 

Gia đình "Hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi nhận tiền hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện

 

(Tổng hợp)

 

 

  

 

Bình luận