Chi tiết tin tức

Phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay- thực trạng và một số kiến nghị

Thời gian đăng: 14-01-2018 19:51 | 439 lượt xemIn bản tin

Dưới góc độ xã hội học thì tội phạm được coi là một hiện tượng xã hội tồn tại song song cùng với sự phát triển của xã hội. Không bao giờ có thể loại bỏ hết tội phạm mà chỉ có thể làm giảm tỷ lệ tội phạm trên tất cả các mặt , để giảm được tội phạm thì bên cạnh những giải pháp hoàn thiện pháp luật, về khoa học kỹ thuật được xây dựng, áp dụng trong công tác phòng, chống tội phạm thì nghiên cứu về nguyên nhân, tình hình tội phạm dưới góc độ xã hội học sẽ giúp cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được giải quyết tình hình tội phạm từ những nguyên nhân xã hội, qua đó góp phần giải quyết được căn nguyên của tội phạm từ việc giải quyết những vấn đề thuộc về xã hội là nguồn gốc có thể làm cho tội phạm phát triển.
  Theo dõi Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trước Quốc hội vào kỳ họp cuối mỗi năm từ năm 2011 đến năm 2016, cho thấy kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2011 tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật được Chính phủ nhìn nhận là diễn biến phức tạp,  hầu hết các loại tội phạm đều tăng so với cùng kỳ những năm trước đó (tăng cả về số tội phạm và loại tội), với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ngày càng tăng; tội phạm có tổ chức dưới hình thức băng nhóm bao kê nhà hàng, đòi nợ thuê dưới danh nghĩa thành lập các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, vũ trường, cầm đồ…, tội phạm sử dụng công nghệ cao, mua bán người,… có xu hướng tăng; hành vi phạm tội chống đối người thi hành công vụ mang tính manh động cao; tội phạm sử dụng vũ khí có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn phạm tội tinh vi, manh động, liều lĩnh, tội phạm giết người mang tính dã man, tàn bạo, gây bức xúc trong xã hội… thì từ năm 2012 cho đến năm 2016 tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật dần được kiềm chế và đặc biệt năm 2016 thì về tổng thể tình hình tội phạm có giảm.
- Xem xét về cơ cấu tội phạm trong báo cáo của Chính phủ từ năm 2012 đến năm 2016 cho thấy:
+  Một số loại tội phạm như tội giết người (do mâu thuẫn bộc phát trong nhân dân), tội trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, tội chống người thi hành công vụ giảm… có chiều hướng năm sau giảm hơn năm trước.
+ Một số loại tội phạm như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội mua bán tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc lại tăng.
+ Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng giảm về số vụ và số bị can.
+ Tội phạm về môi trường  giảm về số vụ nhưng lại tăng về số bị can.
+ Tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng đột biến cả về số vụ và số bị can.
+ Tội phạm ma túy tăng về số vụ và số bị can.
Xét về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2016 số lượng tội phạm giảm nhưng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội được thực hiện ngày càng tinh vi, manh động, gây ra thiệt hại về vật chất rất lớn; số ma túy thu giữ qua các vụ án ma túy đều tăng. Với một số loại tội phạm được xác định là giảm như tội giết người thì tính chất tội phạm vẫn rất nghiêm trọng. Giết người do mâu thuẫn cá nhân bột phát, thù tức cá nhân chiếm hơn 80% tỷ lệ loại tội này, đáng lưu ý một số vụ án giết người mà thủ phạm là người chưa thành niên thực hiện có nguyên nhân bị ảnh hưởng từ trò chơi điện tử trên Internet, các vụ án giết người thân lại tăng mạnh. Tội phạm chống người thi hành công vụ giảm về số lượng nhưng tính chất manh động lại tăng, đối tượng phạm tội dùng hung khí, lôi kéo nhiều người tham gia chống người thi hành công vụ.
Về các nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm năm 2016 giảm có thể thấy, báo cáo của Chính phủ đã ghi nhận bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà nòng cốt là lực lượng công an, sự tham gia của nhân dân và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể vào công tác phòng, chống tội phạm, cũng đã thẳng thắn chỉ ra tỷ lệ tội phạm giảm còn có nguyên nhân từ sự thay đổi chính sách hình sự bằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định tội phạm với một số hành vi trước đây được xác định là tội phạm (gồm: Hoạt động phỉ (Điều 83); Đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149); Kinh doanh trái phép (Điều 159); Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165); Báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167). Như vậy, kết quả tỷ lệ tội phạm giảm trong năm 2016 có nguyên nhân kỹ thuật là sự thay đổi trong chính sách hình sự, nói cách khác công tác phòng, chống tội phạm vẫn đang ở mức kiềm chế, đặc biệt tuy giảm về số lượng tội phạm nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm lại tăng, có những tội phạm giảm nhưng nhìn vào tính chất phổ biến của loại tội phạm này lại là dấu hiệu báo động về những vấn đề đạo đức xã hội như tỷ lệ vụ án giết người thân lại tăng; mức độ nguy hiểm của hành vi chống người thi hành công vụ cũng tăng lên; có loại tội phạm tăng biểu hiện của lối sống vụ lợi, bất chấp thủ đoạn làm giàu (hành vi lừa đảo qua kinh doanh đa cấp).
(Nguồn: Bộ Tư pháp)

 
Bình luận