Chi tiết tin tức

Trước mùa lễ hội: Trở về truyền thống cũng phải cảnh giác!

Thời gian đăng: 23-02-2018 15:39 | 445 lượt xemIn bản tin

Đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Nguyên Viện trưởng Viện VN Học và Khoa học Phát triển – trước sự bùng nổ của lễ hội truyền thống.

Theo ông Ngọc, truyền thống có những cái tốt, những cái chuẩn mực cho đến ngày hôm nay, nhưng cũng có cái bảo thủ, lạc hậu, phản tiến bộ. Trở lại với truyền thống không phải là trở về với tất cả những gì cũ kỹ ngày xưa.

 

Gánh cá đi bán (Lễ hội thi trò đánh cá người tại Lễ hội cầu ngư huyện Phú Vang - TT Huế
Gánh "cá" đi bán (Lễ hội thi trò đánh "cá người" tại Lễ hội cầu ngư huyện Phú Vang - TT Huế

Ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, lễ hội chính là nhu cầu của cuộc sống từ trong quá khứ cho đến tận ngày hôm nay. Đó là nhu cầu chính đáng của các làng xã trở về với cuộc sống văn hóa, cuộc sống tâm linh. Có một thời kỳ chúng ta hiểu không đúng và dẹp bỏ hết bởi quy về mê tín dị đoan. “Ai ơi mùng chín tháng tư/Không đi hội Gióng thì hư một đời”, “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”, “Chết bỏ con bỏ cháu/Sống không bỏ mồng sáu tháng Giêng”… Đó là cách nhắc nhở con cháu trong gia đình tham dự vào các lễ hội làng, như một truyền thống văn hóa không thể không thực hiện. Đi hội là một nhu cầu, người ta cần phải đi để được hòa mình vào trong cộng đồng, để thăng hoa với cộng đồng, quên hết cả những khó khăn đời thường. Thế thì tại làm sao chúng ta lại xóa bỏ những ngày hội đó đi?

Tuy nhiên, có người cho rằng, trở về với truyền thống là trở về với những giá trị truyền thống. Nhưng nói đến giá trị truyền thống là nói đến cái tốt, cái chuẩn mực. Trong khi đó, giá trị truyền thống có cái cũng không phải “nhất thành, bất biến”, mà ít nhiều vẫn có biến đổi trong không gian và thời gian, dưới những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể tác động. Trong điều kiện này giá trị này là chuẩn mực, nhưng trong điều kiện khác đi thì có thể sẽ không còn là chuẩn mực nữa. Có thể nó rất tốt ở điều kiện này, nhưng sang điều kiện khác nó trở thành không tốt, thậm chí có khi lại tiêu cực. Vì thế, trở lại với truyền thống cũng cần phải cảnh giác, cần phải chọn lọc cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, trước việc hiện nay nhiều lễ hội đã được mở rộng quy mô quá mức và nhiều địa phương, hay chính cả những người dân địa phương cũng coi đó là một dịp làm ăn trong năm, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, đó là truyền thống đã bị lợi dụng, không phải phục vụ cho văn hóa mà phục vụ cho kinh tế. Trên danh nghĩa, người ta gọi là phát triển du lịch, nhưng cũng không phải là du lịch văn hóa mà thực chất đây là một kiểu kiếm tiền. Điều đáng nói là kiểu kiếm tiền này không phải cho Nhà nước, cũng không phải cho nhân dân, mà chỉ cho một số tổ chức, thậm chí là cá nhân. Người ta kiếm tiền bằng mọi cách, bằng mọi giá. Một khi văn hóa bị biến thành một phương tiện kiếm tiền thì đó là một sự phỉ bang, tàn hại và tiêu diệt văn hóa. Khôi phục một lễ hội thì hãy để cho nó trở lại với giá trị truyền thống của nó…

Nếu lễ hội vốn chỉ là của một làng, hay một số làng thôi, thì hãy cứ giữ quy mô truyền thống ấy. Tạo điều kiện cho các làng, xã khôi phục lại lễ hội, thậm chí có cải biên cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, nhưng phải dựa trên cái nền, cái cốt lõi của lễ hội truyền thống của tổ tiên để lại… không tùy tiện sáng tác tác kịch bản lễ hội, càng không nên tìm kiếm một kịch bản lễ hội chung cho các làng khác nhau, các vùng khác nhau trong cả nước…

Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng
Một lễ hội đình làng miền Bắc
Một lễ hội đình làng miền Bắc

 

Theo Lao Động

Bình luận